Thông tin về hợp tác an ninh của Hoa Kỳ với Việt Nam

Mối quan hệ an ninh của Hoa Kỳ với Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, hai nước có tầm nhìn chung về tương lai của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quan hệ đối tác an ninh phát triển mạnh mẽ này dựa trên cam kết chung nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và quyết tâm chung để xử lý các thách thức an ninh khu vực.

Tầm nhìn chung này được Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nêu trong Tuyên bố chung vào tháng 11 năm 2017 trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Trump tới Hà Nội. Tầm nhìn chung này tiếp tục được củng cố bởi các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis vào tháng 1 năm 2018 và Ngoại trưởng Pompeo vào tháng 7 năm 2018 để gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Những chuyến thăm này đã khẳng định cam kết của Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với Kế hoạch Hành động về Hợp tác Quốc phòng mới, kéo dài ba năm từ 2018 đến 2020.

Vào tháng 3 năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đã tới Đà Nẵng, Việt Nam trong một chuyến thăm lịch sử kéo dài bốn ngày. Thủy thủ đoàn đã tham gia giao lưu văn hóa và nghiệp vụ trong các sự kiện phục vụ cộng đồng, các cuộc thi thể thao, các chuyến tham quan tàu và lễ tiếp tân chính thức trên tàu sân bay. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ trong hơn 40 năm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã phê duyệt các giao dịch trị giá 25 triệu đô la trong Bán hàng Thương mại Trực tiếp (DCS) với Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2017, trong số đó hơn 15 triệu đô la được thực hiện trong hai năm qua.

Từ tài khóa 2012 – 2017, Việt Nam đã nhận được hơn 55 triệu đô la trong hỗ trợ an ninh song phương do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ theo chương trình Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF). FMF đã tài trợ cho việc chuyển giao và nâng cấp một tàu tuần duyên cũ của Hoa Kỳ cho Việt Nam theo chương trình Bán Trang bị Quốc phòng Dư thừa. Đây là cuộc chuyển giao thiết bị quốc phòng lớn đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và con tàu này hiện là tàu lớn nhất trong kho thiết bị quân sự của Việt Nam. FMF cũng đã tài trợ cho việc mua 24 xuồng tuần tra Metal Shark dài 14m, trong đó 12 chiếc đầu tiên đã được bàn giao tính đến tháng 4 năm 2018.

Chương trình FMF dành cho Việt Nam bao gồm 10,25 triệu đô la trong tài khóa 2017 theo Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải, tăng cường sự hiện diện của các nước đối tác trong lãnh hải của họ và giúp họ duy trì các quyền và quyền tự do được quy định trong luật biển quốc tế.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã cung cấp nguồn viện trợ bổ sung trị giá trên 16 triệu đôla cho Việt Nam trong các tài khóa 2017 và 2018 để hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải.

Việt Nam đã tham gia đóng góp cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việt Nam cũng là một nước đối tác tích cực trong Sáng kiến Các hoạt động Hòa bình Toàn cầu của Hoa Kỳ (GPOI). Vào cuối năm 2018, Việt Nam sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái đoàn Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) với nguồn vốn và hỗ trợ từ GPOI. Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho việc triển khai một đơn vị kỹ thuật tại một sứ mệnh của Liên Hợp Quốc trong tương lai.  

Trong năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sau khi lần đầu tiên cử quan sát viên vào các năm 2012 và 2016. RIMPAC là chương trình tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, do Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác tổ chức hai năm một lần tại và xung quanh quần đảo Hawaii và Nam California.  

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực xử lý các vấn đề Chiến tranh Việt Nam để lại tại Việt Nam, trong đó có việc thu dọn vật liệu nổ còn sót lại (UXO) và tẩy rửa chất độc màu da cam/dioxin và vấn đề nhân đạo tìm kiếm tù binh, quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.   

Tính từ năm 1993, chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 105 triệu đôla cho các nỗ lực xử lý vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, bao gồm hoạt động khảo sát và thu dọn bom mìn, quản lý thông tin, giáo dục về rủi ro của bom mìn, hỗ trợ nạn nhân sống sót và xây dựng năng lực cho Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC). Thông tin chi tiết về hoạt động nhân đạo quan trọng do các đối tác của chúng tôi thực hiện tại Việt Nam có trong báo cáo To Walk The Earth In Safety của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.  

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ Vụ Chính trị – Quân sự, Văn phòng Các vấn đề Quốc hội và Công chúng tại PM-CPA@state.gov, và theo dõi Vụ Chính trị – Quân sự trên Twitter tại @StateDeptPM.

nguồn; vn.usembassy.gov

TƯ VẤN ANH ANH

  • TEL 08.38.238.738

    Email: pve2c@anhanhsaigon.com

TƯ VẤN ANH ANH

  • TEL 38.226.535

    Email: pve2c@anhanhsaigon.com